Cây chanh leo (chanh dây) là một loại cây trồng khá nhạy cảm với các bệnh do sâu hại, nấm, côn trùng chích hút… Dễ gặp nhất là các bệnh do nấm, điển hình như bệnh đốm mắt cua trên chanh leo, là một trong những nỗi lo lắng chung của nhiều nông hộ khi canh tác cây chanh leo trong thời điểm mùa mưa kéo dài.
1. Nguyên nhân
Bệnh đốm mắt cua hay còn gọi là bệnh đốm nâu trên chanh leo là một loại bệnh khá phổ biến ở cây chanh leo khi trồng trong mùa mưa gây hại trên cả thân, lá và quả.
Nguyên nhân chính: chủng nấm Alternaria Passiflorae.
Tác nhân ảnh hưởng: do mưa nhiều, độ ẩm trong vườn cao, bào tử nấm nảy mầm phát tán trong không khí, nguồn nước, vết thương cơ giới…
2. Triệu chứng
Bệnh đốm mắt cua tấn công trên các bộ phận lá, thân, cuống, hoa và quả của cây chanh leo, bệnh gây hại nặng có thể làm rụng lá, rụng quả, chết dây dẫn đến giảm năng suất. Bệnh thường xuất hiện phổ biến trong các tháng mùa mưa khi độ ẩm cao trên 85%, nhiệt độ từ 20 – 28 độ C và ở những vườn có mật độ lá dày. Triệu chứng đầu tiên là đốm nâu nhỏ trên lá, sau đó lớn dần lên và có viền tròn đồng tâm.
Trên lá: Triệu chứng ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu, sau đó lan rộng có tâm màu sáng và hình dạng bất định, nhiều vết bệnh liên kết thành những mảng lớn gây thủng lá.
Trên thân/cành: Vết bệnh có hình thon dài màu nâu đen, khi vết bệnh phát triển bao quanh thân/cành sẽ làm bong tróc vỏ gây chết dây/cành.
Trên quả: Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ sau lan rộng thành những vòng tròn lớn màu nâu, bề mặt vết bệnh lõm, nhăn nheo, sau đó rụng quả.
Nguồn lây nhiễm bệnh đốm mắt cua có thể từ lá cây, lây chuyển bằng bào tử thông qua không khí khi độ ẩm cao (do thời tiết và do vườn không thông thoáng). Bào tử nấm cũng dễ lan truyền nhờ gió, nước mưa, nước tưới, côn trùng, dụng cụ lao động và con người qua quá trình chăm sóc cây.
Hình : Quả và lá chanh dây bị nấm khuẩn gây hại
3. Tác hại
Tác hại của bệnh đốm mắt cua là gây đốm lá, đốm quả, lây lan bệnh cho cả vườn chanh với tốc độ rất nhanh. Chúng lây lan nhanh như vậy do bào tử trong không khí, qua nguồn nước hay các vết thương cơ giới. Quả bị bệnh sẽ làm giảm chất lượng thương phẩm, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và chất lượng dịch kém khi chế biến.
4.Cách phòng bệnh đốm mắt cua (đốm nâu) cho vườn chanh leo
Chọn giống sạch bệnh của các công ty lớn có uy tín trên thị trường.
Giống chanh dây sạch bệnh từ Thạch Trường An Gia Lai
Đất trồng đảm bảo phải được xử lý kĩ bằng cách thu dọn sạch tàn dư cây trồng vụ trước, bón vôi bột, cày sâu, phơi ải tối thiểu 20 đến 25 ngày.
Tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoại mục có bổ sung nấm đối kháng Tricoderma.
Duy trì độ PH trong vườn quanh 5.5 – 7.
Cần vệ sinh vườn thường xuyên, loại bỏ lá bệnh và những cành kém hiệu quả để vườn cây thông thoáng. Kiểm tra vườn, phát hiện những lá bệnh, tiến hành thu gom, tiêu hủy.
Bón phân cân đối NPK, nếu ở giai đoạn kiến thiết cơ bản (1-4 tháng sau trồng là phân tổng hợp NPK như 16-16-8, 25-7-7,…) nếu ở giai đoạn kinh doanh là phân tổng hợp 3 số (20:20:20, 15:15:15) bổ sung thêm phân Kali và các phân vi lượng như Canxi-Bo, hạn chế bón đạm và phân bón lá trong mùa mưa.
Làm rãnh thoát nước để vườn không bị đọng nước.
5. Điều trị bệnh đốm mắt cua trên cây chanh leo
Khi phát hiện bệnh mới chớm, phun luân phiên thuốc có hoạt chất như Copper Oxuchloride (COC 85WP), Hexaconazole (Anvil), Fosetyl Aluminium (Aliette 80WP), Tebuconazole (Folicur 430SC), Propiconazole + Tebuconazole (Dithamegold).
Quan sát nếu vết bệnh khô lại là bệnh đã dừng phát triển.
>>> Lưu ý: Nên tiến hành phun khi bệnh chớm xuất hiện, phun khi sáng sớm hoặc chiều mát trong thời tiết không có gió. Phun liều lượng thuốc theo hướng dẫn sử dụng.
P/s: Bài viết mang tính chất tham khảo
Công ty TNHH Thạch Trường An Gia Lai
- Địa chỉ: Thôn Thái Hà, Chư Pơng, Chư Sê, Gia Lai
- Hotline: 0985 34 72 82
- Email: thachtruongangialai@gmail.com
- Website: thachtruongangialai.com.vn